Ngày cập nhật: 26/04/2017
Hàng loạt những vướng mắc liên quan đến cấp giấy phép xây dựng (GPXD) sẽ được giải quyết khi Quyết định 27/2014/QĐ-UBND của UBND TPHCM (quy định chi tiết một số nội dung về cấp GPXD thay thế QĐ 21/2013) vừa được ban hành, có hiệu lực từ ngày 14-8 tới. Báo SGGP giới thiệu tóm tắt một số nội dung quan trọng của QĐ 27.
Nhà trong quy hoạch lộ giới được xây tối đa 3 tầng
Nếu nhà ở riêng lẻ hiện hữu có một phần hoặc toàn bộ diện tích nằm trong quy hoạch lộ giới mở rộng của các tuyến đường, hẻm; trong phạm vi quy hoạch các nút giao thông đã được phê duyệt và công bố, nhưng chưa có quyết định thu hồi đất, vẫn được phép sửa chữa, cải tạo hoặc xét cấp GPXD tối đa 3 tầng không kể tầng lửng và mái che cầu thang tại sân thượng (nếu có).
Trước đây, người dân có nhà ở trên đất nông nghiệp khi xin GPXD được các quận, huyện giải quyết mỗi nơi một kiểu: nơi cấp tạm, nơi cấp chính thức, có nơi không cấp.
Trường hợp này, QĐ 27 nêu rõ: nhà ở riêng lẻ hiện hữu trên đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư đã xây dựng và sử dụng ổn định trước ngày 1-7-2006 (ngày Luật Nhà ở có hiệu lực), kể cả các trường hợp tự khai thác, lấn chiếm đất công mà nhà nước không quản lý, sử dụng, không có tranh chấp, khiếu nại hoặc nhà không phù hợp chức năng theo đồ án quy hoạch xây dựng được duyệt vẫn được xây dựng, sửa chữa, cải tạo lại nhà ở nếu người dân có nhu cầu. Cụ thể, nhà ở đã tồn tại trước khi có quy hoạch 1/2000 được phê duyệt nhưng qua điều chỉnh vẫn không phù hợp quy hoạch là đất ở (tại TPHCM có rất nhiều trường hợp này - PV) thì vẫn được xét cấp GPXD tối đa 3 tầng. Trường hợp nhà ở xây dựng sau ngày quy hoạch 1/2000 chỉ được phép sửa chữa, cải tạo nhưng không làm thay đổi công năng sử dụng, không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực và an toàn công trình.
QĐ 27 cũng quy định những khu vực đất trống không phù hợp quy hoạch xen kẽ trong khu dân cư, đã có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất (không xem xét mục đích sử dụng đất), chưa có quyết định thu hồi đất thì vẫn được xét cấp GPXD có thời hạn để đầu tư xây dựng các công trình như: sân thể thao, sân chơi cho thiếu nhi, lắp đặt các thiết bị phục vụ thể dục thể thao ngoài trời; các công trình phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao khác do UBND quận - huyện quyết định với quy mô 1 tầng (trệt, tường gạch, mái tôn). Tuy nhiên, chủ đầu tư phải cam kết tự tháo dỡ không điều kiện khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước để triển khai thực hiện quy hoạch.
Tháo gỡ hàng ngàn trường hợp “dính” chỉ giới đường sông
Toàn TP còn tồn tại khoảng 16.000 trường hợp nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ sông, kênh rạch và gần 80 dự án phát triển nhà ở (tập trung chủ yếu dọc sông Sài Gòn) có đồ án quy hoạch 1/500 được kiến trúc sư trưởng TP và UBND quận - huyện phê duyệt trước đây nhưng hiện ranh của dự án nằm trong hành lang chỉ giới đường sông, kênh rạch theo QĐ 150/2004 (ngày 9-6-2004 của UBND TP về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh rạch).
QĐ 27 không quy định thủ tục bản vẽ kết cấu công trình trong hồ sơ đề nghị cấp GPXD nhưng sau khi được cấp GPXD, chủ đầu tư phải lập bản vẽ này để trình cơ quan chức năng thẩm tra theo đúng quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Ngoài ra, quyết định mới cũng quy định các dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500m2 đã có quy hoạch chi tiết 1/500 thì không cần có GPXD.
Đáng lưu ý là các trường hợp này đã tồn tại trước khi có QĐ 150 (sau thời điểm này phát sinh thêm gần 2.000 trường hợp - PV) nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, trong đó có nhiều trường hợp nhà đã cũ nát vẫn không được xây dựng, sửa chữa do vướng các quy định liên quan. Nhằm tháo gỡ cho các trường hợp tồn tại trước ngày 9-6-2004, QĐ 27 quy định: Nhà ở trên sông, kênh, rạch, hồ công cộng (dạng nhà sàn), trong thời gian nhà nước chưa thực hiện di dời, được sửa chữa, cải tạo gia cố theo nguyên trạng căn nhà (không thay đổi quy mô, diện tích, kết cấu nhà cũ, có thể thay sàn, mái, vách bằng vật liệu nhẹ) để chống sập, chống sạt lở. Nhà nằm trong hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch từ cấp V, cấp VI và kênh, rạch chưa được phân cấp kỹ thuật thì chỉ được phép sửa chữa, cải tạo theo quy mô hiện trạng nhà cũ, có thể thay sàn, mái, vách bằng vật liệu nhẹ. Nhà nằm trong hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch từ cấp I đến cấp IV, trong phạm vi từ 20 - 30m (đối với cấp III, cấp IV) và từ 20 - 50m (đối với cấp I, cấp II) tính từ mép bờ cao trở vào thì được phép sửa chữa, cải tạo theo quy mô hiện trạng nhà cũ hoặc cấp GPXD mới 1 tầng (trệt, tường gạch, mái tôn).
Riêng các công trình (trừ các nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm xen cài trong khu dân cư hiện hữu cần phải di dời), nhà ở riêng lẻ hiện hữu nằm trong khu vực không phù hợp với chức năng sử dụng đất theo đồ án quy hoạch phân khu hay đồ án thiết kế 1/2000 đã được phê duyệt, chưa có quyết định thu hồi đất để thực hiện quy hoạch hay thiết kế đô thị thì được xem xét cấp GPXD 3 tầng. Các khu vực có chức năng quy hoạch là đất hỗn hợp, đất dân cư xây dựng mới (cao tầng, thấp tầng) thì việc cấp GPXD áp dụng tương tự như các khu vực có chức năng đất dân cư hiện hữu chỉnh trang.
Nhung Nguyễn. Theo Sggp
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN THIẾT KẾ VÀ XÂY DỰNG HTK